Khám phá quần đảo Nam Du

Tua du lịch Phú Quốc

Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách thành phố Rạch Giá 83km đường biển.
Nam Du là nơi còn rất hoang sơ, với 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hóa xếp đặt khéo léo. Từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của từng hòn nằm đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương trông rất đẹp.

Nam Du là cái tên mơ hồ về nguồn gốc. Có người cho rằng tên Nam Du có từ thời Gia Long, lại có người thì nói Nam Du là do người Pháp ghi từ chữ Nam Dự (đảo phía Nam) theo cách gọi của các cụ đồ nho mà ra. Còn theo bản đồ người Pháp ghi là Puolo Dama, vị trí hòn đảo nằm ở vào kinh độ 104 độ 22/ Đông và vĩ độ 42/ Bắc. Nhưng Nam Du còn một tên gọi khác là Củ Tron (hòn đảo lớn nhất trong cụm đảo mà người dân gọi là Hòn Lớn).

Trong một lần du ngoạn nơi đây, Nhà thơ Lê Chí đã viết:
“Xa xa phương ấy Củ Tron
Khen ai khéo đặc tên hòn dễ thương
Xanh mờ như lẫn trong sương
Một quần đảo tựa phố phường đông vui.”
Củ Tron là củ gì nhà thơ vẫn chưa biết, nhưng nghe cái tên là thấy dễ thương rồi.

Theo Nam Du ký của nhà văn Anh Động về chuyện tích truyền khẩu của Hòn Củ Tron: “Vào năm 1870, sau khi thất thủ thành Gia Định lần thứ 2, Chúa Nguyễn Ánh cùng một đám tàn quân bị Tây Sơn truy đuổi ráo riết, phải tấp vào cụm hòn này  lẩn trốn. Thiếu nước uống, Chúa bảo binh sĩ đào ao lấy nước ngọt. Hiện nay “Giếng Ngự”, “Bãi Ngự” vẫn hiện hữu phía tây bắc Hòn Lớn. Thiếu lương thực, người dân hướng dẫn binh sĩ đi đào củ nầng có dáng hình tròn tròn về nấu ăn đỡ đói. Đến khi Chúa lên ngôi hoàng đế (1802) chạnh nhớ đến những nơi nhiều kỷ niệm sâu sắc của mình thời bôn ba tẩu quốc, ông sắc tứ cho hòn này một cái tên, gọi là hòn “Củ Tròn”. Vị quan hành khiển vốn người Ngũ Quảng, mang chiếu chỉ đến đây, tập hợp dân lại đọc theo giọng Quảng của vị quân hành khiển, hai tiếng “củ Tròn” thành “Củ Tron” dân nghe chiếu dụ bảo “tron” thì phải gọi theo là “tron” đâu ai dám kháng chỉ”.

Quần đảo Nam Du Phú Quốc trên bản đồ du lịch tỉnh Kiên Giang (có thể bốn hòn đảo quá nhỏ nên đã không thể hiện trên bản đồ có tỉ lệ 1/210.000)

Đứng trên đài Kiểm báo ở đỉnh Hòn Lớn với độ cao hơn 300m xem từng chiếc hòn với vị trí và tên của nó mà bản thoại dân gian thường gọi: Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai, Đô Nai quay sang Bờ Đập; Bờ Đập tấp lại Hòn Lò; Hòn Lò mò đến Hòn Ngang; Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng; Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu; Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo; Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông; Hòn Ông dông đến Hòn Dâm; Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre; Hòn Tre te đến Hòn Mốc; Hòn Mốc xốc lại Hòn Nhàn; Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn; Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm; Hòn Nồm chồm đại lên Hòn Khô; Hòn Khô vô bãi Chệt; Bãi Chệt lết lên Hòn Lớn…”

21 đảo ở Nam Du, được tạo quá xếp đặt khéo léo. Từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của từng hòn nằm đan xen nhau tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương. Ở Nam Du, hòn Củ Tron là rộng nhất với 9km2, hòn nhỏ nhất là Hòn Lò (200m2), dân cư sống tập trung ở Củ Tron, Hòn Mấu và Hòn Bờ Đập. Mỗi tên hòn, bãi, dốc nơi đây đều có giai thoại của nó. “Bãi Chệt”. Theo dân gian truyền lại, vào thế kỷ 16, trên đường ra Phú Quốc buôn bán, giữa đoàn tàu Hà Lan và người Trung Quốc đã xảy ra một trận ác chiến, mấy hôm sau có hàng trăm xác người Trung Quốc tấp vào bãi này, từ đó người dân gọi là “Bãi Chệt”;

Thế kỷ 18 có vị Chúa bị truy đuổi đến đây phải ăn củ nầng để sống, về sau đảo này mang tên Củ Tron; đến thế kỷ 20, có một đạo sĩ ở Hòn Nấu luyện được phép đằng vân tên Năm Đài, khi ông biểu diễn bay từ đỉnh núi rơi xuống triền dốc, nay có địa danh “Dốc Năm Đài”. Những năm chiến tranh ác liệt, bọn Mỹ ngụy đã đến đóng trạm hải quân ở Bãi Chệt, xây dựng đài kiểm báo ở đỉnh Hòn Lớn, kéo theo nhiều dịch vụ ăn chơi đến Nam Du, như Quán sướng tỉ tê, Sóng bủa đầu gành, Người hai mặt… chứng tỏ Nam du có một chiều dài nhân văn đậm nét, với rất nhiều giai thoại. ( công ty du lịch )

Nam Du hiện tại thu hút rất nhiều du khách đến thưởng ngoạn cảnh đẹp và những món đặc sản như ốc nhảy, ốc đụn, hàu sữa, ghe, mực… được nguời dân bắt lên từ biển còn tươi rói; Có nhiều sảnh quan hấp dẫn như Bãi Ngự, Bãi Cỏ, Bãi Giếng… là nơi có cầu cảng tấp nập ghe thuyền. Cuộc sống Nam Du lúc nào cũng sôi động với nghề truyền thống là câu mực. Ban đêm, nơi biển cả bao la hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn chiếu sáng mặt nước đại dương, tạo thành một bức tranh di động huyền diệu trên biển cả.

21 hòn đảo là chừng ấy cảnh đẹp nên thơ, không bút mực nào tả xiết, những ai thích khám phá biển đảo hãy một lần đến Nam Du – nơi có núi đồi, sông biển nên thơ, có một Hải Đăng cao 309m điều tiết tàu thuyền qua lại an toàn. Hải Đăng là “mắt biển” canh giữ vùng biển trời Tây Nam của Tổ quốc, nhưng đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp kỳ thú của quần đảo Nam Du.

Khám phá Nam Du

Đến Nam Du, du khách nên bắt đầu cuộc khám phá của mình bằng việc chinh phục đảo Hòn Lớn. Tại trung tâm đảo, có một con đường dài 2,6 km được trải nhựa thời Pháp dẫn đến đỉnh cao 295 m. Du khách có thể bắt xe ôm lên đỉnh ở ngay đầu đường. Nhưng nếu đi bộ, du khách sẽ có nhiều cơ hội quan sát cảnh quan từ nhiều độ cao khác nhau. Cảm xúc do vậy cũng sẽ thú vị hơn.

Trên đỉnh Hòn Lớn, có 1 ngọn hải đăng cao khoảng 309 m, điều tiết tàu thuyền qua lại an toàn. Lên đến đây, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy toàn bộ quần đảo Nam Du với 21 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau bày trí la liệt, ngoạn mục. Ngay dưới chân Hòn Lớn, phía Đông là trung tâm xã An Sơn – một làng chài khoảng 300 mái nhà chạy dọc theo mép biển dài 2 km; phía Tây là làng chài bãi Ngự với khoảng 200 mái nhà núp bóng dưới những rặng dừa xanh và hàng trăm chiếc tàu đánh cá nhỏ dập dềnh trên sóng. Cách 3,5 hải lý về phía Đông là đảo Hòn Ngang với nhà cửa, tàu thuyền san sát nhau như một thị trấn nổi trên biển.

Từ cầu cảng Hòn Lớn, đi theo chiều kim đồng hồ, chỉ cần 30 bước chân bạn sẽ tiếp cận một ghềnh đá rất đẹp được tạo ra từ vô số tảng đá như nham thạch. Những tảng nham thạch cháy nham nhở được sóng biển ngày đêm gọt đẽo qua hàng vạn năm tạo thành những tác phẩm điêu khắc sinh động. Theo Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Việt Nam, các đảo thuộc quần đảo Nam Du đều cấu tạo gồm hai hệ tầng, riêng hệ tầng đá thuộc hệ nguồn núi lửa fetsic gồm tufryolit và ryolit. Không chỉ ở phía Tây Hòn Lớn mà khắp 21 hòn đảo của Nam Du đều có những ghềnh đá rất đẹp.

Từ Hòn Lớn du khách có thể đi đò qua Hòn Ngang mất khoảng 30 phút. Mỗi ngày có hai chuyến đò xuất bến lúc 7h và 15h. Du khách cũng có thể thuê đò để đi vào bất cứ lúc nào. Hòn Ngang là trung tâm của xã Nam Du. Bến tàu Hòn Ngang có hàng ngàn tàu thuyền ghe xuồng neo đậu và nhiều lồng bè nuôi cá. Hai bên bến cảng là dãy nhà sàn trên cọc tre và bê tông san sát nhau chạy dài 2 km. Chỉ có một con đường nhỏ chừng 1,5 m, không có bất cứ loại phương tiện giao thông nào. Du khách muốn ở lại qua đêm có thể thuê phòng trọ với giá rất bình dân, tuy nhiên, chất lượng cũng không thể sánh bằng trong đất liền.

Hòn Mấu nằm cách Hòn Ngang khoảng 20 phút đi ghe máy, rộng khoảng 200 ha. Trên đảo có một làng chài hơn 100 mái nhà. Ở đây có những bãi biển rất đẹp mà nhiều người cho rằng chưa đến tham quan coi như chưa đến Nam Du. Đó là bãi Bắc, bãi Chướng, bãi Đá Đen, bãi Đá Trắng và bãi Nam. Rời Hòn Mấu, nếu thích, du khách có thể đến Hòn Dầu. Đảo này tương đối lớn so với các đảo khác. Trên đảo rừng nguyên sinh che phủ khoảng 95% diện tích, còn lại là làng chài bãi Nhà – làng chài bình yên nhất ở Nam Du với 20 mái nhà dưới 20 vườn dừa râm mát.

Cuộc sống ở Nam Du lúc nào cũng sôi động với nghề truyền thống là câu mực. Ban đêm, trên biển cả bao la, hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn tạo thành một bức tranh di động huyền diệu.

Lưu ý: Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 52 hải lý về phía tây. Nếu thời tiết tốt thì lúc 9 giờ mỗi ngày có một chuyến tàu từ Rạch Giá đi Nam Du neo đậu tại cửa sông Rạch Giá, nằm song song với đường Nguyễn Công Trứ. Để đến với quần đảo có diện tích 40 km2 và hội tụ 21 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau này, bạn phải mất đến 5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển.
 
Khi đến Nam Du, bạn nên chia cuộc thám hiểm của mình thành hai tour để tiết kiệm thời gian và kinh phí thuê ghe. Đầu tiên khám phá Hòn Lớn và thuê tàu “thám hiểm” những hòn đảo xung quanh như Hòn Nồm Ngoài, Hòn Nồm Giữa, Hòn Nồm Trong nằm ở phía nam; Hòn Dâm, Hòn Hàng, Hòn Mốc, Hòn Tre, Hòn Nhàn nằm ở phía bắc. Sau đó bạn thuê đò qua Hòn Ngang thuê nhà trọ, khám phá hòn đảo này và “thám hiểm” những hòn đảo xung quanh như: Hòn Dầu, Hòn Ông, Hòn Bờ Đập, Hòn Mấu…
 
Dù ở Hòn Lớn hay Hòn Ngang, trước khi quyết định thuê ghe tham quan, bạn nên đứng quan sát xem chiếc nào có áo phao thì đúng là ghe chuyên đưa đò. Nếu đến một hòn đảo duy nhất và tham quan trong thời gian một giờ, giá khoảng 60.000đ/ghe trọng tải 5-7 người. Nếu tham quan nhiều đảo thì thỏa thuận với chủ đò.
 

Hầu hết bãi biển của các đảo thuộc quần đảo Nam Du chỉ toàn đá như nham thạch, duy nhất Hòn Mấu có hai bãi cát thoai thoải, trắng phau tuyệt đẹp.
 
Ở Hòn Lớn, vào buổi tối chỉ có một quán hủ tiếu nằm sát cầu cảng, giá bán 8.000đ/tô. Buổi sáng có khoảng mười quán bán cơm, bún, hủ tiếu. Buổi trưa không có quán ăn nào, trong khi Hòn Ngang có nhiều quán ăn hơn.
 
Dân quần đảo Nam Du đều dùng điện máy phát. Để không mất liên lạc với người thân và muốn có những bức ảnh lưu niện nơi “heo hút” này, bạn nhớ sạc pin điện thọai và máy ảnh hoặc máy quay phim khi máy phát điện hoạt động lúc 17g-22g.
Nếu đến nơi này  từ tháng 1-4, thời điểm nước ngọt được xem như vàng, bạn nhớ tiết kiệm nuớc tối đa để chia sẻ nỗi khổ của người dân. Trong những ngày ở Nam Du tôi phải tự mua nước ngọt với giá 6.000đ/50 lít để sinh hoạt.

Điểm tham quan du lịch Phú Quốc