Phú Quốc – Cơ hội và thách thức

Cảng biển quốc tế An Thới (Phú Quốc).

Du lịch Phú Quốc 4 ngày 3 đêm

Theo Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, nơi đây sẽ trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch cao cấp của khu vực Ðông – Nam Á. Trong quá trình phát triển, Phú Quốc – đảo Ngọc đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, nhưng chưa bao giờ, chính quyền và nhân dân nơi đây lại đứng trước vận hội lớn như vậy.

Cảng biển quốc tế An Thới (Phú Quốc).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Quang Hưng cho biết: Theo quy hoạch, Phú Quốc sẽ phát triển theo bốn giai đoạn. Từ năm 2003 đến 2008 là giai đoạn chuẩn bị, điều chỉnh quy hoạch. Từ năm 2008 đến 2015 là giai đoạn khởi động. Trong giai đoạn này tập trung giải phóng mặt bằng, thu hồi, bồi thường đất đai, triển khai một số dự án lớn như sân bay, cảng biển quốc tế, đường giao thông, đề ra các cơ chế, chính sách, ban hành các quyết định, tiêu chí đầu tư. Từ năm 2015 đến 2020 là giai đoạn quyết liệt tăng tốc, hoàn thiện giao thông, hạ tầng xã hội, xây dựng một số khu du lịch chất lượng cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái. Từ năm 2020 đến 2030 là giai đoạn nâng chất lượng, hoàn thiện quy hoạch tổng thể, trở thành đặc khu kinh tế – hành chính đặc biệt. Như vậy, Phú Quốc hiện đang ở giai đoạn khởi động, mở đầu công cuộc đầu tư hạ tầng cơ sở để bước vào một trang mới của sự phát triển. Một phần không nhỏ trong đầu tư cho giao thông là hai công trình Cảng Hàng không quốc tế vừa đi vào hoạt động tháng tám vừa qua và Cảng biển quốc tế An Thới.

Máy bay chuẩn bị hạ cánh, từ trên cao, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhìn thấy “đại công trường” trên đảo. Ðằng sau cảnh sắc êm đềm của những cánh rừng nguyên sinh, của cát trắng, nắng vàng và làn nước trong xanh là khó khăn mà Phú Quốc đang gặp. Ðó là hệ quả của phát triển nhanh và “nóng” trong thời gian qua. Có lẽ, những vướng mắc trong quy hoạch đã và đang là thử thách sự phát triển của đảo Ngọc. Thời gian qua, Phú Quốc đã chi bốn nghìn tỷ đồng thu hồi đất của ba nghìn hộ dân trên đảo. Hơn 103 nghìn người bị ảnh hưởng bởi quy hoạch. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Quốc Nguyễn Hồng Tươi than thở: “Toàn huyện đảo có 10 xã, thị trấn thì có ba xã không nằm trong hàng trăm dự án quy hoạch, gồm hai xã đảo Thổ Châu, Hòn Thơm và một phần xã Cửa Dương. Tiến độ đầu tư chậm, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đang là vấn đề bức xúc của người dân nơi đây. Nhiều gia đình hội viên hội phụ nữ nằm trong vùng quy hoạch phải di dời đến nơi ở mới. Cuộc sống tái định cư không ổn định, việc làm thất thường, thu nhập bấp bênh kéo theo tư tưởng bất an”.
Trong câu chuyện với đội ngũ cán bộ khu phố 9, thị trấn Dương Ðông, một cán bộ ví von rằng: “Trăm dâu đổ đầu quy hoạch. Từ ly cà-phê sáng, đến chỉ thị, nghị quyết đều thấm đẫm quy hoạch”. Khi đề cập vấn đề này lãnh đạo huyện cho biết: Việc khó khăn nhất hiện nay là xác định nguồn gốc đất để đền bù cho dân thỏa đáng, thấu tình, đạt lý. Thời gian qua, những vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan cơ chế, chính sách bồi thường đất đai, hỗ trợ tái định cư tăng cao. Ðó là hệ quả tất yếu của sự phát triển. Hiện nay, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu chủ trương, chính sách lớn của địa phương. Sự đồng thuận của người dân là điều kiện để hoàn thành sớm quy hoạch.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thu hồi 95 dự án, trong đó 59 dự án có chức năng du lịch. Một trong những nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ là do các chính sách thay đổi liên tục. Cơ sở hạ tầng trên đảo (giao thông, điện, nước) còn quá thiếu. Mặc dù thời gian qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhưng hơn 200 nhà đầu tư đang gặp khó khăn về kinh phí chi trả giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý rườm rà, khi doanh nghiệp đầu tư hoàn tất các thủ tục lại gặp phải khủng hoảng tài chính, ngân hàng thắt chặt tín dụng nên vuột mất cơ hội.
Nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ tầm nhìn, sức sáng tạo còn thiếu đó cũng là một khó khăn, cản trở sự phát triển nhanh chóng của Phú Quốc. Số dân trên đảo hiện nay khoảng 100 nghìn người, quy hoạch tới năm 2020 sẽ gấp sáu lần, nghĩa là 600 nghìn người. Thế nhưng, hệ thống bộ máy hành chính của Phú Quốc chỉ ở cấp huyện, kiêm nhiệm nhiều nhưng lại phải “gánh” một khối lượng công việc chẳng khác nào một tỉnh trực thuộc Trung ương. Với bộ máy, con người như vậy, Phú Quốc đang đồng thời triển khai hai đề án: nâng cấp Phú Quốc lên đô thị loại 2, thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang vào năm 2015 và đề án thành lập đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc trực thuộc Trung ương năm 2020.
Ðồng thuận để phát triển

Bên cạnh những khó khăn trong quá trình phát triển, tiềm năng của Phú Quốc không chỉ là biển, rừng, đảo Ngọc hiện đang nắm giữ một tiềm năng rất quý giá, đó là một “tinh thần Phú Quốc” được hun đúc qua nhiều thế hệ. Trong các cuộc trò chuyện, tiếp xúc từ lãnh đạo huyện cho tới mỗi người dân trên đảo, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự tự hào toát lên trong ánh mắt, lời nói của họ. Rằng, Phú Quốc như một Việt Nam thu nhỏ, nơi “đất lành chim đậu”, quê hương thứ hai của những người con đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tìm đến làm ăn, sinh sống, phát triển sự nghiệp. Nơi đây thiên nhiên ban tặng đầy đủ rừng, núi, sông, suối, đồng cỏ, biển cả cùng nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh. Phú Quốc có tới 65% diện tích rừng, cùng mạng lưới sông suối với bốn nhánh chính bao phủ khoảng 600 cây số vuông. Vì vậy, khi đặt chân đến nơi này, không ai có cảm giác mình đang sống trên một hòn đảo giữa biển khơi… Tất cả tạo nên một đảo Ngọc đang ngày càng trù phú và giàu có, mở ra cơ hội lớn phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Một điều dễ nhận thấy, ở đảo Ngọc là thái độ thân thiện, “chiều” khách của những người làm du lịch cùng với môi trường du lịch tương đối “sạch” cả về cảnh quan lẫn tình hình an ninh, trật tự. Ở bốn ngày trên đảo, chưa bao giờ chúng tôi lại có quãng thời gian hưởng thụ cảm giác an toàn đến như vậy. Mượn một chiếc xe máy đi quanh đảo, chúng tôi ghé thăm chợ đêm hải sản và đồ lưu niệm, tìm mỏi mắt không có bãi gửi xe. Hỏi ra, cư dân đảo nói xe cứ để đó, không mất đâu mà sợ. Sau vài giờ đồng hồ tham quan chợ, quay lại xe vẫn ở chỗ cũ cùng với rất nhiều chiếc xe khác của khách du lịch thuê và của người dân trên đảo. Quả là một điều tuyệt vời tại khu du lịch này.

Chúng tôi tới ăn trưa tại Biên Hải quán, xã Gành Dầu, phía bắc đảo. Quán không chỉ thu hút du khách bởi những món ăn chế biến từ nguồn hải sản tươi ngon, được thưởng thức những câu vọng cổ mùi mẫn do đại gia đình chủ quán phục vụ miễn phí, mà còn tìm đến đây mua một sản phẩm nổi tiếng chỉ sau ngọc trai, hạt tiêu, nước mắm. Ðó là muối tiêu dưỡng sinh, do chính chủ quán, ông Nguyễn Thành Trang làm ra. Ông Trang đã kết hợp hồ tiêu Phú Quốc và muối Bạc Liêu thành một sản phẩm gia vị không chỉ được bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới suốt 13 năm qua. Ba mươi năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Thành Trang (Út Trang) cùng vợ quyết tâm ra đảo lập nghiệp. Ông nhớ lại: “Khi ấy, trên là trời, dưới là rừng với nước. Ði bộ vài tiếng mới có nhà dân. Cả xã có một ngôi trường lợp lá, không điện, chẳng có nước sạch. Giờ đây, chỉ thiếu mỗi điện lưới, đường, trường, trạm y tế đã đầy đủ. Ông bà và các con cháu sống thảnh thơi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày lấy việc phục vụ du khách làm niềm vui. Cơ sở hạt tiêu dưỡng sinh của ông bình quân sản xuất 200 kg muối/ngày, giải quyết việc làm cho 15 nhân công. Ông Út Trang nói, nếu sản phẩm muối tiêu dưỡng sinh tiếng lành vang xa, đồng nghĩa với việc hồ tiêu Phú Quốc cũng sẽ được hồi sinh mạnh mẽ. Sự háo hức của ông cũng như toàn bộ người dân trên đảo đang hướng về dự án điện cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc dài 55 km với tổng kinh phí 2.336 tỷ đồng, lớn nhất Việt Nam sẽ thành hiện thực vào năm 2014.

Ông Út Trang là đại diện cho một bộ phận người dân ý thức rõ việc mỗi cư dân trên đảo cần tạo cho mảnh đất đang ưu đãi mình một sản phẩm tốt nhất để thu hút khách du lịch. Không chỉ trông chờ từ những nhà đầu tư bên ngoài, nhiều người dân địa phương từng bước mạnh dạn đầu tư vào nhà hàng, khách sạn. Kim Hoa resort, Ngàn Sao resort, chuỗi nhà hàng, khách sạn, Bảo tàng Nguồn Cội… là những thí dụ điển hình. Thế mới biết, người dân trên đảo không chỉ giỏi đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm, trồng hồ tiêu mà còn nhạy bén với xu thế phát triển của thời cuộc.

Chiều muộn trên Cảng biển quốc tế An Thới, chúng tôi ngồi uống nước dừa, cùng trò chuyện với ông Huỳnh Văn Hạnh, Bí thư Ðảng ủy thị trấn An Thới. Tôi ấn tượng về câu nói của ông: “Là người gắn bó với thị trấn này 30 năm, tôi hiểu chuyện thị trấn như hiểu chuyện trong gia đình mình. Ðảng ủy, chính quyền địa phương lại càng hiểu một điều, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, do đó, đánh bắt hải sản không phải là sự lựa chọn lâu dài, hàng đầu như thời kỳ trước”. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thị trấn lần thứ 11 nêu rõ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ hải sản – nông-l âm – ngư nghiệp sang dịch vụ du lịch – thương nghiệp – hải sản – nông -l âm nghiệp. Ban đầu, do chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là bộ phận dân cư nằm trong vùng quy hoạch, cho nên chưa được sự đồng tình cao. Sau này, bà con hiểu ra vấn đề, được hưởng lợi từ những chuyển dịch, một số hộ được bồi thường đất chuyển sang làm dịch vụ, du lịch, học lái xe, mua xe ô-tô 12 chỗ, 16 chỗ chở khách du lịch thăm đảo. Hiện toàn thị trấn có 17 tàu phục vụ du lịch. Sự đổi thay trên đảo, nhất là tại thị trấn An Thới đã nhìn thấy rõ rệt, nhưng theo nhận xét của Bí thư Huỳnh Văn Hạnh thì: “Phú Quốc mới chỉ đang như một nàng công chúa vừa giật mình tỉnh giấc, đang chờ một hoàng tử là những bước đột phá từ những cơ chế, động lực thúc đẩy của Chính phủ, tỉnh, huyện để “nàng ấy” có được một vẻ đẹp lộng lẫy nhất”.

Thật thiếu sót khi đến với đảo Ngọc mà không nhắc đến sản phẩm nổi tiếng toàn cầu, mang thương hiệu nước mắm Phú Quốc, vừa được Ủy ban Châu Âu công nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” vào dịp tháng tám vừa qua, trở thành “đại sứ” sản phẩm hàng hóa nông sản Việt Nam ở một thị trường khắt khe như châu Âu. Ðây còn là điều kiện thuận lợi để Kiên Giang lấy lại thương hiệu nước mắm truyền thống từ lâu bị chiếm dụng, bị làm giả. Hiện nay, Phú Quốc còn bảo tồn 100 nhà thùng sản xuất nước mắm. Ðã có lúc, nhiều hộ phải phơi thùng vì thiếu nguyên liệu, đầu ra, nhưng chưa bao giờ người dân nơi đây từ bỏ ý định ngừng sản xuất nước nắm. Vì họ ý thức được rằng, nước mắm Phú Quốc có hương vị độc nhất, do nguồn nguyên liệu cá cơm không đâu có được. Sở dĩ cá cơm Phú Quốc ngon đặc biệt vì vùng biển này có loại rong biển riêng biệt. Chính nguồn thức ăn bổ dưỡng này đã tạo nên nguyên liệu cá cơm đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi cá cơm giàu đạm, vi chất đang bị các thương lái đến từ nơi khác tiến hành thu gom, phá giá. Chính điều này góp phần làm hao hụt nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà thùng. UBND huyện Phú Quốc sẽ phải tính đến phương án để ngư dân khai thác nguồn lợi cá cơm Phú Quốc chỉ bán cho người làm nước mắm trên đảo nhằm giữ vững độc quyền thương hiệu.

Chuyện về Phú Quốc nói mãi chẳng hết, cũng như người dân nơi đây nói rằng, để đi và khám phá hết được hòn đảo, phải ở lại nơi đây ít nhất mười ngày. Ðến, nhìn, ngắm, chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” mạnh mẽ ở mảnh đất này, chúng tôi tin rằng, cái đích mà Phú Quốc đang đến, trở thành thành phố biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp, đang dần hiện hữu trong một ngày không xa.

Tin tức du lịch Phú Quốc