Du lich bụi Phú Quốc
Đảo ngọc Phú Quốc giữ riêng cho mình những đặc sản hiếm chẳng nơi đâu có được. Vì thế, có dịp thăm thú nơi đây, nhớ tìm và thưởng thức kẻo tiếc mãi một chuyến đi…
Phú Quốc – hòn đảo lớn nhất Việt Nam, là có thể thưởng thức mặt trời lặn trên đại dương, rất đáng đến một lần trong đời. Không chỉ có biển mênh mông, tươi mát; hòn đảo ngọc này còn có núi đồi và rừng nguyên sinh xanh mướt bao phủ, với nhiều thác, suối chảy ngoạn mục. Nó cũng giữ riêng cho mình những đặc sản hiếm nơi đâu có được.
Gỏi cá trích
Cá trích có rất nhiều và quanh năm ở vùng biển Phú Quốc vì thế, gỏi ở đây lúc nào cũng tươi mới và hấp dẫn.
Cá vừa từ biển được làm sạch, thái mỏng ngon mắt lắm, miếng nào miếng ấy mướt mát. Nước cốt chanh, ớt, hành tây thái thật mỏng và nhỏ được trộn đều với cá vừa sơ chế. Đi kèm món này không thể thiếu rau sống lấy từ rừng trên đảo, dừa khô nạo, bánh tráng dẻo, dai cùng nước chấm làm từ từ ớt, tỏi và đậu phộng rang pha với mắm ngon chính hiệu Phú Quốc.
Nguyên đĩa cá sống có thể khiến nhiều người e ngại nhưng cứ mạnh dạn thử cuốn bánh tráng với rau, dừa nạo, cá trích, chấm mắm đặc biệt sẽ thay đổi ngay suy nghĩ.
Miệng ngập tràn các vị ngòn ngọt, giòn giòn của cá, thơm thơm, beo béo của dừa, cay nồng và đậm đà, bùi ngon của nước mắm, mà tuyệt không có mùi tanh. Chẳng thế mà người dân còn có câu: “Nước mắm ngon đem dầm con cá trích – Anh có vợ rồi đứng xích cho xa”.
Dễ dàng tìm được món gỏi dân dã ở đường 30 tháng 4, Trần Hưng Đạo… trên đảo.
Nấm tràm
Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc, cả năm chỉ có một lần trên đảo. Chúng mọc nhanh thật nhanh sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm, và hết mùa cũng thật nhanh. Chỉ khoảng hơn một tháng thôi, nên phải tìm hiểu kĩ lắm mới ra đúng mùa để thưởng thức nấm tươi nấm mới từ rừng mang về nó ngon đến thế nào.
Những chiếc nấm nhỏ khi qua chế biến rất giòn xốp, và càng nhai càng thấy vị đắng nhẹ lan dần, lan dần. Ăn miếng đầu tiên có thể ngạc nhiên, miếng thứ hai, thứ ba… thì thích thú và sau đó cứ muốn ăn mãi, ăn nữa, ăn hoài không chán.
Dù vậy, khách phương xa đến Phú Quốc có thể thưởng thức nấm tràm bất cứ lúc nào tuy không phải nấm tươi mà là nấm khô và đông lạnh.
Bánh tét mật cật
Đây là món bánh “độc quyền” một trong những đặc sản Phú Quốc, của huyện đảo này. Thường người ta chỉ dùng lá mật cật để chằm nón lá, chẳng hiểu vì lí do gì mà dân ở đây lại dùng nó gói bánh tét thành đòn hình tam giác.
Lá mật cật hẹp, không to như lá chuối nên phải thật khéo léo. Và cảng phải cẩn thận vì bánh được cột bằng gân lá, chẳng thể nào mềm như lạt tre. Buộc chặt quá thì bánh chín không đều, lỏng quá thì bánh nong nước, nhão.
Cũng là chiếc bánh tét bình thường với nếp, nhân đậu xanh, thịt heo thôi nhưng gói bằng thứ lá đặc biệt này làm cho bánh cũng mang vẻ đặc biệt hơn.
Bánh mang màu xanh ngọc bích của nước cốt lá ngót và lá dứa ngon lành, thêm mùi thơm lừng khó cưỡng. Khi ăn, gạo quyện với nhân đậu xanh bùi, thịt mỡ béo, mùi lá dứa thơm, rất tuyệt vời.
Món nhum
Những “quả cầu gai” sau khi chế biến thành những món ngon, được đấng mày râu rất “ưa” bởi sự bổ dưỡng của nó. Từ nhum, người ta làm thành được kha khá món từ xào, nấu cháo, ăn mù tạt…
Cách ăn phổ biến nhất là nhum nướng. Nhum sau khi sơ chế được cho thẳng lên bếp than hồng rực, đến khi mùi tỏa ra là được. Người ăn, cứ thế nạo phần thịt bên trong và chấm muối tiêu ớt chanh sẽ cảm nhận được nhum béo béo thơm thơm. Ai thích lạ hơn thì cho mù tạt vào và ăn sống, uống thêm cốc bia thì thú lắm.
Ngoài ra, món cháo nhum hay nhum xào cũng ngon không kém, lại giúp nhanh lấy lại sức. Đặc biệt, là chả nhum. Thịt nhum tươi với các loại gia vị tiêu, hành, nước mắm ngon trộn đều, cho vào chiên dùng với bánh tráng nướng, rau sống, chuối chát chấm với mắm Phú Quốc quả là chẳng thể nào mà quên được.
Lưu lại Phú Quốc, mỗi ngày chọn một món nhum là sẽ hết sợ mấy con gai góc nhọn hoắt này ngay.
Còi biên mai nướng
Cả con sò biên mai to, nhưng thịt nhão, không ngon, mọi tinh túy chỉ tập trung vào hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò, gọi là “còi”.
Từ lóng thịt chắc này, người ta chế ra vô vàn các món nhưng đặc biệt ngon và giữ vị thì phải là coi biên mai nướng. Dù là nướng không hay nướng muối ớt thì cùng đậm đà. Vừa hàn huyên, vừa cầm từng xâu còi mai tươi hoặc ướp muối hạt to, đã được đâm nhuyễn vào đó mấy trái ớt đỏ tươi, nướng trên than hồng là trải nghiệm khó quên.
Người nướng phải khéo léo, không để lâu quá làm còi bị khô, cứng, chỉ cần vừa chuyển vàng là được. Khi ăn, còi biên mai kết hợp với chao, rau húng, diếp cá, xà lách, chuối chát, dưa leo…
Từng miếng còi giòn dai và ngọt quyện với cái mặn mòi của muối hột, cay xé lưỡi của ớt tươi và thơm đặc biệt của chao, rau thơm cho cảm nhận tròn vị khó tả.
Khách ngồi bên biển mà ăn món này thì có khi muốn ở lại làm dân đảo luôn.
Hồ tiêu và nước mắm Phú Quốc
Đến Phú Quốc, sẽ thấy những vườn tiêu nối tiếp nhau. Đây là một đặc sản nữa cần được nhắc đến. Người ta nói, các món trên đảo ăn ngon hơn là nhờ hồ tiêu và nước mắm của đảo quả có lý.
Hiếm nơi nào hồ tiêu được thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng phân ra thành 3 loại: tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen như ở đây. Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vị cay nồng, thơm, đậm hơn nhiều nơi khác. Hạt nào hạt ấy mây mẩy, chắc và đều nhau.
Còn nước mắm – đặc sản Phú Quốc thì khỏi phải nói. Có truyền thống mấy trăm năm, nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng duy nhất loại cá cơm làm nguyên liệu với phương thức bí truyền, cho ra thứ vị ngon đậm và màu sắc đẹp, đậm đà khác biệt.
Đến Phú Quốc, nhất định phải thưởng thức các món ngon không nơi đâu có và mua tiêu, nước mắm về làm quà.